Tin tức - Sự kiện

CHUYỂN ĐỔI SỐ - XU THẾ TẤT YẾU CỦA PHÁT THANH

Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV 16/03/2024 14:08

Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đề ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó quan trọng nhất là đưa thông tin lên nền tảng số và sử dụng công nghệ số, tích hợp dữ liệu số để tối ưu hóa hoạt động. Có thể nói chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, không thể cưỡng lại đối với tất cả cơ quan báo chí. Hiện tại, đó là xu hướng tác động lớn đến xã hội và cũng là một trong những trọng tâm ưu tiên phát triển của Việt Nam.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Hiện nay, hầu hết nội dung của các cơ quan báo chí đã được đưa lên môi trường số. Báo in truyền thống cũng “di chuyển” sang phiên bản điện tử, nhằm tiếp cận đa dạng bạn đọc hơn. Công chúng có thể đọc báo qua điện thoại thông minh rất nhanh chóng, thuận tiện.

Tất nhiên, mỗi cơ quan, đơn vị có cách làm khác nhau, tùy thuộc tôn chỉ, mục đích và nội lực của mình. Tuy nhiên, dưới góc độ tổng thể, để thực hiện tốt chuyển đổi số báo chí, tôi thấy cần lưu ý một số vấn đề.

Thứ nhất, chúng ta phải thay đổi được nhận thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là cán bộ làm công tác quản lý báo chí. Nếu nhận thức được xu hướng, nhu cầu tất yếu khách quan, người làm báo sẽ thay đổi tư duy và cách làm nghề cho phù hợp.

Thứ hai, việc đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên giỏi nghiệp vụ, có kỹ năng sản xuất nội dung để phân phối trên môi trường số rất quan trọng. Nếu như trước đây, với một vấn đề, phóng viên chỉ xử lý cho phát thanh, thì bây giờ, nội dung đó cần được xử lý để đăng tải trên các nền tảng khác, như báo điện tử, truyền hình, thậm chí báo in hay để tương tác ở mạng xã hội. Điều này đòi hỏi người làm báo phải “nghĩ khác, làm khác”, sáng tạo hơn so với cách làm truyền thống.

Thứ ba, một phần rất quan trọng là công nghệ. Đây cũng là bài toán thách thức của không ít cơ quan báo chí khi thực hiện chuyển đổi số. Nhiều tòa soạn hiện chưa tự chủ được công nghệ. Thực tế cho thấy, một số báo có nền tảng công nghệ tốt, hoặc đối tác là những công ty công nghệ mạnh, thường phát triển rất nhanh trên môi trường số. Họ có đội ngũ viết code, chủ động về kỹ thuật, thường xuyên cập nhật công nghệ mới, hệ thống hạ tầng đảm bảo… nên rất thuận lợi trong việc tiếp cận công chúng.

Thứ tư, đó là thay đổi quy mô và quy trình quản trị, cách thức làm báo. Các cơ quan báo chí truyền thống, bây giờ thêm nền tảng số, phải tính xuất bản nội dung ở đâu trước, có sự nối tiếp nhau như thế nào. Dây chuyền sản xuất, mô hình quản trị cũng phải thay đổi so với trước.

Vấn đề cuối cùng đặt ra là các Đài PTTH Việt Nam cần nhận thức rõ những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội phát triển trong kỷ nguyên số, để từ đó chấp nhận dấn thân vào những đổi thay to lớn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong kỷ nguyên số đang phát triển vũ bão, để có những chiến lược đầu tư phát triển phù hợp

Kính thưa quý vị đại biểu!

Đài tiếng nói Việt Nam là cơ quan báo chí chủ lực quốc gia. Trải qua thời gian dài phát triển, chúng tôi đã xây dựng được cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện, với phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử. Trong đó, có 8 kênh phát thanh, 16 kênh truyền hình, hai báo điện tử.

Hiện nay tất cả các đơn vị biên tập của VOV đã có mặt trên hầu hết các nền tảng số phổ biến. Bên cạnh những nền tảng do VOV tự đầu tư, phát triển như hệ điều hành cho các báo điện tử, các ứng dụng cho phát thanh (VOVmedia, VOVlive…), truyền hình (VTCnow, VOVTV), VOV hầu như không bỏ qua nền tảng xuyên biên giới nào (Youtube, facebook, spotify, tiktok…). VOV cũng bước đầu xây dựng được những nền tảng nội bộ để giúp các đơn vị biên tập, các phóng viên, biên tập viên có thể chia sẻ khai thác nguồn lực nội dung chung của hệ thống, tạo ra những sản phẩm báo chí riêng phù hợp với từng loại hình, từng kênh.

Thời gian qua, các đơn vị báo chí của Đài nắm bắt rất nhanh xu hướng trên nền tảng số. Hai báo điện tử VOV và VTC News cập nhật tin tức nhanh chóng, chính xác, là kênh chính thống, tin cậy cho độc giả. Chúng tôi cũng phát triển một số ứng dụng riêng như Đài Kỹ thuật số VTC có VTC Now cũng rất đông người xem. Khối phát thanh có ứng dụng VOV Live, VOV Media.

Nội dung được ưu tiên phân phối trên báo điện tử, âm thanh vốn là thế mạnh. Ví dụ, Đọc truyện đêm khuya có hàng triệu người nghe trên YouTube. Đặc biệt, tác phẩm Con hẻm nhỏ của Báo Điện tử VOV đoạt giải Xuất sắc hạng mục Truyền thông số của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU) năm 2022.

Các đơn vị thuộc VOV đã hình thành được hệ sinh thái tương đối tốt. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có một chiến lược bài bản và sự đầu tư lớn hơn để Đài Tiếng nói Việt Nam phát huy được vai trò của cơ quan báo chí Trung ương. Đặc biệt, chúng tôi sẽ ưu tiên đầu tư vào công nghệ.

Đài Tiếng nói Việt Nam đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động xuất bản báo chí thế nào? Ưu điểm và hạn chế của “người máy làm báo” là gì? Đài có kế hoạch ứng dụng công cụ GPT vào sản xuất nội dung không?

Nhiều báo điện tử đã áp dụng AI vào sản xuất nội dung. Vấn đề quan tâm của VOV rộng hơn là áp dụng AI thế nào cho hệ thống dữ liệu rất lớn của các kênh phát thanh, truyền hình. Tức là làm sao hệ thống hóa dữ liệu để tối ưu hóa được kênh phân phối trên các nền tảng. Đây là câu chuyện Đài đang tập trung tìm hướng giải quyết. Nếu hệ thống của mình tốt, bạn đọc có thể tiếp cận rất nhiều dữ liệu liên quan, chứ không chỉ xem một bài báo.

Nếu những người làm báo, những nhà quản lý báo chí đầu tư đúng hướng cho phát thanh, đẩy mạnh chuyển đổi số thì phát thanh có cơ hội tiếp tục phát triển, là một trong những loại hình báo chí thân thiết, hữu dụng và gần gũi với công chúng.

(0) Bình luận
CHUYỂN ĐỔI SỐ - XU THẾ TẤT YẾU CỦA PHÁT THANH