Sáng 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn”. Đây là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có báo chí, truyền thông.
Phát biểu đề dẫn phiên thảo luận, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus nhấn mạnh, trong kỷ nguyên số, báo chí không thể tách rời khỏi công nghệ. Một số cơ quan báo chí lớn đã phát triển theo hướng trở thành các công ty công nghệ báo chí, theo mô hình media-tech.
Tuy nhiên, ông Nhật cũng nêu một băn khoăn của nhiều cơ quan báo chí hiện nay là liệu đầu tư vào hạ tầng công nghệ có đem lại nguồn thu tương xứng hay không và liệu đầu tư vào các nền tảng số có bù đắp được phần doanh thu sụt giảm của các mô hình báo chí truyền thống hay không.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus điều phối phiên thảo luận. |
Phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề đang đặt ra với báo chí trong kỷ nguyên số như đang dạng hóa nguồn thu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị tòa soạn và sản xuất nội dung...
Mô hình Total VTV trong sản xuất, phân phối nội dung sóng - số
Trình bày tham luận, ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital) chia sẻ lý do VTV quyết định phải đầu tư mạnh mẽ vào các nền tảng công nghệ, với 2 nội dung được nêu ra là rating sóng - số và chiến lược Total VTV trong sản xuất, phân phối nội dung.
Theo ông Chiến, đối với một đài truyền hình, vấn đề rating có ý nghĩa sống còn. Rating cao đồng nghĩa mang lại nguồn thu lớn, từ đó sẽ đầu tư ngược lại vào sản xuất nội dung trên nền tảng công nghệ.
Ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc VTV Digital chia sẻ về mô hình Total VTV. |
Dẫn số liệu về tăng trưởng rating và người xem trên nền tảng VTVGo hay các nền tảng OTT, Cable, IPTV, DHT, DVB so với trên tivi, Phó Giám đốc VTV Digital cho biết đây là cơ sở để VTV đưa ra khái niệm Total VTV (truyền thông tổng thể).
"Sau nhiều năm nghiên cứu, đánh giá xu thế, VTV nhận thấy rằng, chúng ta không thể tách rời sóng và số. Trước đây, sóng và số đã tạo ra bước tiến đáng kể, song song, nhưng bây giờ phải tổng hòa. Một sản phẩm làm ra phải được phân phối trên đa nền tảng, chạy trên một nền tảng công nghệ chung, từ đó mới đạt được hiệu quả tối đa", ông Chiến nói.
Ông cho biết, VTV hiện đang hướng đến một nền tảng công nghệ dùng chung (sản xuất, phân phối, kinh doanh sản phẩm trên cùng một nền tảng), cùng với đó là dữ liệu tập trung từ nhiều nền tảng, tạo ra một kho dữ liệu lớn phục vụ việc phân tích, quyết định nên đầu tư vào công cụ gì, loại hình gì để có hiệu quả nhiều hơn.
Chia sẻ về VTVGo trong chiến lược Total VTV, ông Chiến thông tin, hiện ứng dụng xem truyền hình này ghi nhận tổng cộng 42 triệu lượt cài đặt với hơn 8 triệu lượt hằng tháng và 240 triệu lượt xem, trong đó có 5 triệu lượt cài đặt, 1 triệu lượt xem hằng tháng trên 200 quốc gia.
Theo đại diện VTV, có 2 yếu tố góp phần vào sự phát triển của VTVGo. Thứ nhất, VTVGo có 20 điểm lấy dữ liệu, thu thập dữ liệu người xem. Khi có dữ liệu lớn, đưa vào hệ thống phân tích sẽ tạo ra được nhiều giá trị, quay ngược lại phân tích, tìm hiểu hành vi khán giả.
Yếu tố thứ hai là ứng dụng AI trong nhận dạng tất cả các quảng cáo hiện tại trên các chương trình của VTV, từ đó quyết định các hành vi đối với các chương trình đó, cần tương tác thế nào, điều chỉnh ra sao. "AI sẽ giúp các nhà quản trị hiểu khán giả hơn, đồng thời đưa ra các khuyến cáo cần thiết", ông Chiến cho hay.
Giải pháp tòa soạn hội tụ dành cho các cơ quan báo chí
Trong khuôn khổ phiên thảo luận, ông Bùi Công Duyến, Giám đốc sản phẩm Tòa soạn hội tụ ONECMS có bài tham luận về hệ thống quản trị tòa soạn hiện đại cho các cơ quan báo chí.
Ông Duyến cho biết, hầu hết các cơ quan báo chí tại Việt Nam đều có đồng thời nhiều loại hình báo chí: in, điện tử, video clip, podcast… Nhiều cơ quan báo chí thậm chí còn phân phối nội dung của mình trên các nền tảng mạng xã hội…
Ông Bùi Công Duyến trình bày về giải pháp tòa soạn hội tụ dành cho các cơ quan báo chí. |
Tuy nhiên, mỗi loại hình báo chí lại sử dụng các phần mềm quản lý nội dung (CMS) riêng rẽ hoặc chưa có CMS quản lý. Đồng thời, chưa có các phần mềm phục vụ hành chính trị sự như quản lý công việc, trang thiết bị, văn bản.
Các cơ quan báo chí thiếu công cụ hỗ trợ sản xuất nhanh các tác phẩm báo chí đa phương tiện như emagazine, longform, megastory; thiếu công cụ quản lý nội dung tập trung trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube, Zalo…; ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của tòa soạn còn hạn chế.
Để khắc phục các tồn tại trên, ông Duyến giới thiệu giải pháp tòa soạn hội tụ dành cho các cơ quan báo chí, trong đó tích hợp nhiều tiện ích hiện đại như cho phép thiết kế trực tiếp các ấn phẩm đặc biệt (eMagazine, longform...); quản trị song song cả báo in và báo điện tử; gợi ý từ khóa, kiểm tra lỗi chính tả...; cho phép điều hướng một bài viết đi các ấn phẩm khác nhau, loại hình khác nhau.
Ngoài ra, mô hình tòa soạn hội tụ tạo một quy trình xuất bản khép kín, giúp các cơ quan báo chí quản lý bảng tiến độ tin bài; quản lý dàn trang và biên tập, duyệt bông, cho phép copy nội dung các bài viết bằng các công cụ có sẵn và chuyển đổi sang các định dạng phông chữ khác nhau bảo đảm không bị lỗi phông trên các phần mềm dàn trang.
Về sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tòa soạn hội tụ, ông Duyến dẫn khảo sát của Viện nghiên cứu Reuters và Đại học Oxford cho thấy, các tòa soạn hiện nay rất quan tâm đến việc đưa công cụ trí tuệ nhân tạo vào trong quản trị tòa soạn. Theo đó, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt (tìm lỗi chính tả, gán nhãn bài viết với hệ thống từ khóa, chuyển văn bản thành giọng nói và ngược lại…); gợi ý, phát hiện xu hướng; gợi ý nội dung cho loại hình báo chí khác...
Phát triển độc giả thông qua các giải pháp công nghệ
Tham gia phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, chuyên gia chương trình Google News Initiative (GNI), Tập đoàn Google đã có những chia sẻ về các giải pháp mà Google có thể hỗ trợ các cơ quan báo chí phát triển tệp độc giả của mình.
Theo đó, đại diện Google nêu 8 bước tiếp cận, theo tuần tự là: hiểu độc giả, nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, mở rộng phân phối, phát triển doanh thu, xây dựng văn hóa đổi mới, sáng tạo.
Quang cảnh phiên thảo luận. |
Bà Dương cho biết, hiểu hành vi và phân loại độc giả là các bước quan trọng để phát triển độc giả. Số liệu khảo sát của Google cho thấy, các cơ quan báo chí đánh giá, 80% lượt truy cập đến từ gần 20% độc giả.
Theo chuyên gia GNI, với các ứng dụng của mình, Google có thể hỗ trợ các cơ quan báo chí phát triển độc giả thông qua 3 bước: Phân tích; Tối ưu; Tương tác hiệu quả. Cụ thể, phân tích hành vi đọc, tương quan giữa nội dung và hành vi đọc để từ đó phân loại độc giả theo hành vi, xác định các tệp độc giả có giá trị cao (tệp độc giả giúp tăng doanh thu quảng cáo hay doanh thu bạn đọc, thu phí độc giả, thu phí thành viên).
Trên cơ sở dữ liệu phân tích có được, các cơ quan báo chí có thể tùy chỉnh trải nghiệm cho từng tệp độc giả khác nhau, khảo sát độc giả và tiếp nhận phản hồi. "Đây sẽ là quá trình giao tiếp liên tục, tòa soạn phải làm thường xuyên để nắm bắt được thị hiếu độc giả của mình", bà Dương nói.
Sử dụng công nghệ để khắc phục các nhược điểm của công nghệ
Chia sẻ về vai trò của tác phẩm báo chí đa phương tiện, nhà báo Thi Uyên đến từ Báo Nhân Dân cho biết, mục đích của tính năng tương tác đa phương tiện là thu hút người dùng và tương tác với họ theo cách mà phương tiện truyền thông truyền thống như (truyền hình và phát thanh, báo in,…) không làm được.
Nói đơn giản hơn, tính năng tương tác đa phương tiện là “đặc sản” của môi trường số, bao gồm báo điện tử. Tính năng này giúp các tòa soạn tạo ra các nội dung hạng “sang”, nội dung chất lượng; tăng cường trải nghiệm cho người dùng; tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh số lượng độc giả giảm mạnh.
Nhà báo Thi Uyên chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tác phẩm báo chí đa phương tiện. |
Tính năng tương tác đa phương tiện xuất hiện khi mạng internet ra đời vào những năm 1990, và ngày càng phổ biến khi công nghệ được cải tiến (sự ra đời của máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, kính thực tế ảo, pin cài áo trí tuệ nhân tạo,…).
Công nghệ hỗ trợ nhà báo sản xuất và người dùng trải nghiệm tính năng tương tác đa phương tiện trong tác phẩm báo chí số, mang lại nhiều lợi ích cụ thể như: tăng cường trải nghiệm người dùng; truyền tải thông tin hiệu quả; tạo sự tương tác, độc đáo và khác biệt; và tăng khả năng lan truyền và chia sẻ thông tin...
Tuy nhiên, theo nhà báo Thi Uyên, tính năng này cũng có một số nhược điểm cần xem xét, đó là tốn thời gian và công sức; tốn tài nguyên và băng thông; phức tạp trong khả năng tương thích; và khó khăn khi tương thích với thiết bị di động.
Để khắc phục nhược điểm của tính năng tương tác đa phương tiện, các cơ quan báo chí cần tối ưu hóa quy trình sản xuất; xây dựng giao diện người dùng thân thiện; quản lý và kiểm soát nội dung; đánh giá hiệu quả và phản hồi người dùng…
Một giải pháp khác cũng được nhà báo Thi Uyên đề cập là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là AI tạo sinh trong sản xuất tác phẩm tương tác đa phương tiện. Nói một cách khác, đó là sử dụng công nghệ để khắc phục nhược điểm của công nghệ.
"AI tạo sinh đang được sử dụng trong báo chí với 8 mục đích chính: tóm tắt bài viết, tạo tiêu đề, biên tập, ghi chú và giải băng, biên dịch, tạo hình ảnh, tạo bài viết, tạo kênh truyền hình, người dẫn chương trình ảo", nhà báo Thi Uyên dẫn dự báo xu hướng báo chí, công nghệ, truyền thông năm 2024 của Viện Báo chí Reuters cho biết.
Theo đó, AI đã giúp các toàn soạn tiết kiệm được thời gian, nhân lực và chi phí sản xuất - vốn là một trong những điểm yếu lớn của tác phẩm báo chí có tính năng tương tác đa phương tiện.
Phiên tọa đàm bàn tròn. |
Sau phần tham luận, tọa đàm bàn tròn diễn ra với sự tham gia của 4 diễn giả gồm: ông Lee Kah Whye, Giám đốc Khu vực của Hiệp hội các nhà xuất bản Tin tức thế giới (WAN-IFRA); bà Nguyễn Thị Thùy Dương, chuyên gia chương trình Google News Initiative (GNI), Tập đoàn Google; ông Trần Việt Hưng, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên; ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc VTV Digital.
Các diễn giả đã cùng nhau trao đổi về cách thức để các tòa soạn có thể sản xuất được những tác phẩm báo chí ấn tượng; các giải pháp đầu tư công nghệ và đa dạng hóa nguồn thu cho các cơ quan báo chí; định hướng đầu tư về trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn và sản xuất nội dung số.
Bên cạnh việc học hỏi lẫn nhau giữa các cơ quan báo chí, các diễn giả cho rằng quá trình đầu tư công nghệ tại các tòa soạn cần được thực hiện song song giữa củng cố các nền tảng cơ bản có thể tối ưu được và tiến hành các đổi mới về công nghệ thông qua quan hệ với các đối tác trong xây dựng các nền tảng mới, sản phẩm mới.