Tham luận của TS. Phan Văn Kiền Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
1.Hai đặc trưng quyết định sức mạnh của phát thanh
Phát thanh với những đặc trưng cơ bản của một loại hình báo chí phát sóng, có những đặc điểm rất cơ bản như: Tính toả khắp, tính nhanh chóng, tính sống động, riêng tư, thân mật, tính tiện dụng. Các đặc điểm cụ thể này đã được nhiều tài liệu phân tích, đánh giá. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nhấn mạnh vào hai đặc trưng mang tính thế mạnh của phát thanh, không chỉ trong bối cảnh truyền thông trên nền tảng kỹ thuật số hiện nay. Đó là: 1/đặc trưng của tính sống động, gần gũi, riêng tư, thân mật và 2/Tính tiện dụng.
Tính sống động, gần gũi, riêng tư, thân mật thể hiện một phần quan trọng ở giọng nói/đọc của phát thanh viên. Một trong những yêu cầu quan trọng của ngôn ngữ cũng như giọng đọc trên sóng phát thanh là làm thế nào để người nghe đài không có cảm giác phát thanh viên đang đơn thuần cung cấp thông tin bằng âm thanh mà là một cuộc tâm tình, tâm sự thông qua giọng nói, giọng đọc. Giọng nói, giọng đọc vừa là kênh chủ đạo, vừa trở thành “đặc sản” riêng mà chỉ ở phát thanh mới phát huy hết tính sống động, gần gũi của nó. Đặc trưng của giọng nói và cảm xúc của con người cho phép biến một cuộc tiếp nhận thông tin thành một cuộc giao tiếp đầy cảm xúc trên báo chí.
Tính tiện dụng của phát thanh là một trong những thế mạnh giúp phát thanh có cơ hội lấy lại vị trí vốn có của mình. Chỉ có điều, trước đây, công chúng nghe phát thanh nhiều vì thiếu các loại hình truyền thông khác thì hiện nay, khi có quá nhiều phương tiện truyền thông, công chúng lại nghe phát thanh nhiều hơn vì họ thiếu thời gian để tiếp nhận thông tin. Bởi chỉ có phát thanh mới giúp công chúng hiện đại vừa làm một việc khác vừa “đọc” báo.
Điều này lại phù hợp với đặc trưng của công chúng truyền thông hiện đại, những công chúng có rất ít thời gian để theo dõi tin tức nhưng lại muốn cập nhật nhanh và nhiều thông tin. Xã hội ngày càng giàu có và phát triển, con người ngày càng có nhiều việc phải quan tâm và giải quyết trong quỹ thời gian một ngày. Bởi vậy, thời gian giành cho việc tiếp nhận các thông tin mới cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để thích nghi và hoạt động tốt trong môi trường xã hội của thế kỷ XXI, đòi hỏi từng cá nhân lại phải nắm được thông tin về nhau nhiều hơn. Mâu thuẫn này đã đặt ra cho truyền thông một bài toán là làm thế nào để công chúng chỉ mất thời gian ít mà vẫn cập nhật được nhiều thông tin?
Từ việc thay đổi hoàn cảnh, nhu cầu, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng này, truyền thông sẽ phải nỗ lực thay đổi mình trong cả phương thức truyền tin cũng như quy trình truyền thông để đáp ứng tối đa nhu cầu của công chúng hiện đại. Sự “lên ngôi” của phát thanh trong bối cảnh hiện đại này là một minh chứng.
TS. Đồng Mạnh Hùng cũng cho rằng: “Cho đến thời điểm hiện tại và trong tương lai, phát thanh vẫn và sẽ là phương tiện thông tin đại chúng quan trọng vì ngoài những ưu điểm cố hữu, nếu so sánh với những thế mạnh của mạng xã hội, phát thanh cũng có những ưu thế tương tự như: Phát thanh là một loại hình báo chí có thể di động được (đi đâu cũng có thể nghe được); có thể tương tác được (giống như comment trên mạng xã hội); và công chúng có thể làm báo cùng phát thanh và hơn thế họ có cơ hội trình bày thông tin trên radio bằng giọng nói của mình nên dễ dàng thể hiện được cảm xúc cá nhân. Và còn một ưu thế nữa, mà không loại hình báo chí nào (kể cả internet) có được đó là do tiếp cận thông tin qua thính giác, công chúng có thể tiếp nhận thông tin qua đìa phát thanh trong khi làm bất cứ việc gì như: Lái xe, nấu cơm, làm vườn… (trong khi xem tin nhắn, đọc báo hay lớt mạng xã hội và internet bưats buộc phải tiếp nhận thông tin bằng mắt, bắt buộc phải nhìn vào màn hình). (Đồng Mạnh Hùng, Cuốn vào sóng phát thanh, trang 32, NXB Thông tấn 2022).
Từ hai đặc trưng cơ bản này, có thể nói rằng một sản phẩm phát thanh dù phát trên nền tảng nào, công nghệ nào cũng cần đáp ứng tính thân mật, gần gũi, riêng tư và tính tiện dụng của người nghe.
2.Những vấn đề đặt ra của các sản phẩm âm thanh trên báo chí điện tử hiện nay
Từ hai thế mạnh cơ bản của phát thanh nói trên, thử tiếp cận vào các sản phẩm âm thanh trên các báo, tạp chí điện tử hiện nay để thấy vấn đề.
Hiện nay, trên đa số các báo điện tử, sản phẩm âm thanh được thực hiện ở hai dạng: 1/Dùng AI đọc lại tin tức sau đó đính kèm cùng bài viết. 2/Các dạng podcast được thực hiện theo chủ đề. Cả hai dạng sản phẩm này đều đang có vấn đề.
Thứ nhất, việc sử dụng AI đọc lại tin tức có thể giảm sức lao động của con người và tăng tốc độ sản xuất sản phẩm, giúp tăng năng suất lao động sản xuất. Tuy nhiên, việc dùng AI với một giọng đọc đều đều, không nhấn mạnh, không trọng âm từ đó dẫn tới không mang lại cảm xúc gì cho người nghe ngoài chở tải được thông tin đơn thuần từ chữ viết. Vì vậy, đối với sản phẩm này, tính thân mật, riêng tư, gần gũi gần như bị triệt tiêu. Hẳn nhiên, với nhu cầu nghe tin tức thì đặc tính mang tính thế mạnh của phát thanh nói trên cũng không hẳn là đã phát huy hết sức mạnh. Người ta vẫn hoàn toàn có thể sử dụng để chuyển tải các dạng thông tin thời sự thường thức hàng ngày.
Thứ hai, vấn đề đặt ra là các file dạng âm thanh do AI đọc nói trên được đính kèm vào bài viết trên website. Một thực tế có thể thấy rõ là nếu công chúng có điều kiện và thời gian mở bài báo, tạp chí ra, giữa lựa chọn xem (ảnh, video), lướt, đọc (chữ) và nghe file âm thanh thì họ sẽ chọn xem và lướt! Như vậy, phương tiện phát thanh với tư cách là một phương tiện có nhiều thế mạnh trong sản phẩm đa phương tiện lại trở thành thế yếu. Nó chỉ có tính chất góp mặt để sản phẩm trở thành sản phẩm đa phương tiện, như là một tiện ích mở rộng hơn là một kênh giúp tiếp cận công chúng. Chúng tôi chưa có điều kiện kiểm chứng bằng dữ liệu định lượng dù không khó, nhưng tin chắc, toà soạn nào cũng sẽ thấy được điều đó. Với các dạng podcast trên các báo, tạp chí điện tử và các trang thông tin điện tử cũng vậy, các file âm thanh được đẩy lên cùng với tít bài, ảnh minh hoạ và rõ ràng người nghe sẽ phải mở bài viết ra mới có thể kích hoạt được file âm thanh để nghe.
Hai vấn đề này khiến cho hiệu quả của các sản phẩm âm thanh trên các nền tảng báo chí điện tử, trang tin điện tử… chưa đạt được hiệu quả như loại hình này có thể có trên sóng phát thanh.
3.Gợi mở một hướng tiếp cận
Có thể thấy, các nền tảng như báo điện tử, tạp chí điện tử và các dạng tương tự có một lợi thế khi sản xuất sản phẩm âm thanh là loại bỏ được tính tuyến tính của cách tiếp cận với các dạng thông tin phát sóng như phát thanh, truyền hình. Công chúng tiếp cận sản phẩm âm thanh trên các nền tảng này hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn nghe những thứ mình thích thay vì phải theo tuyến tính thời gian như khi nghe sóng phát thanh hay xem truyền hình. Đó là một lợi thế khiến cho các sản phẩm phát thanh nếu được phát huy tốt, đúng bản chất của phát thanh sẽ có sức cạnh tranh rất lớn với chính các đài phát thanh đang phát sóng.
Từ những phân tích trên, có thể có một số gợi mở tiếp cận cho các toà soạn báo chí điện tử và các trang thông tin điện tử về các sản phẩm âm thanh để các nền tảng này phát huy sức mạnh của mình và khắc phục tình trạng phản – phát – thanh như hiện tại.
Thứ nhất, cố gắng sử dụng giọng đọc của phát thanh viên tối đa nhất có thể. Với các dạng tin tức đơn thuần có thể sử dụng AI nhưng vẫn nên hạn chế.
Thứ hai, ngoài việc đọc lại các tin tức đơn thuần đã được sản xuất ở dạng báo in, báo điện tử, các cơ quan cũng tính tới việc tăng cường các sản phẩm âm thanh như podcast. Sức mạnh của âm thanh và podcast có lẽ không phải bàn thêm nữa trong bối cảnh truyền thông hiện đại.
Thứ ba, quan trọng nhất, các báo, tạp chí điện tử và các nền tảng internet cần có quy hoạch trên chính giao diện của mình đối với các sản phẩm âm thanh. Như đã nói ở trên, công chúng sẽ không mở một bài báo điện tử ra chỉ để nghe phát thanh. Các sản phẩm âm thanh với đặc tính tiện dụng của nó là ưu tiên số một cho các hoạt động phối hợp mà cần sử dụng mắt nhiều hơn như lái xe, nấu cơm, làm vườn… thì cần phải được bố trí vào một khu vực để công chúng có thể liên tục chuyển đổi các file nghe khác nhau bằng cách nút bấm tiện ích trên phương tiện. Hẳn nhiên, điều này còn cần phải vận dụng đến cả các công nghệ kỹ thuật của giao diện báo, tạp chí điện tử trong việc tích hợp được tiện ích chuyển file nghe trên các phương tiện điện tử. Tuy nhiên, vấn đề này không phải là một thách thức quá lớn hay là một vấn đề nan giải.
Chúng tôi nghĩ, nếu khắc phục được ba vấn đề trên, các sản phẩm âm thanh trên nền tảng báo, tạp chí điện tử sẽ trở thành sản phẩm được tiếp cận số một của các công chúng hiện đại bận rộn và có thể sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với sóng phát thanh nếu được đầu tư sản xuất tốt.