Tin tức - Sự kiện

Phát thanh trong kỷ nguyên số

Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Ban Thư ký biên tập VOV 16/03/2024 14:10

Phát thanh là một loại hình truyền thông đại chúng trong đó nội dung thông tin được truyền tải qua âm thanh, ra đời vào cuối thế kỷ XIX. Ở thời kỳ đầu phát thanh truyền đạt thông tin bằng âm thanh qua sóng điện từ, hệ thống truyền thanh và các nền tảng khác để tác động trực tiếp vào thính giác người nghe.

Kỷ nguyên số là kỷ nguyên mà các thông tin truyền thống như âm thanh, hình ảnh, chữ viết trở thành thông tin số. Kỷ nguyên số bắt đầu năm 1971, khi chiếc email đầu tiên được gửi đi thành công, cho ra đời loại hình tương tác số, bên cạnh các hình thức tương tác cá nhân truyền thống. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tương tác số đã dần trở thành phổ biến, thậm chí nhiều nơi, nhiều lúc, tương tác số đã thay thế các loại hình tương tác truyền thống với những ưu việt hơn hẳn của nó. Và từ đó, khái niệm truyền thông số ra đời.

Ở mức độ sơ khai, truyền thông số có thể hiểu là việc sử dụng kỹ thuật, công nghệ số để thực hiện các loại hình truyền thông truyền thống. Liệu truyền thông số sẽ ngày càng phát triển đến cấp độ cao hơn, đến mức việc thay thế hoàn toàn các hình thức truyền thông truyền thống, đó là câu hỏi mà chưa ai có thể trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là chuyển đổi số trong truyền thông là xu thế tất yếu. Và tất nhiên, việc chuyển đổi số sẽ giúp định vị lại vai trò của phát thanh, truyền hình, nó không chỉ tạo ra khó khăn, thách thức mà nó còn mang lại rất nhiều cơ hội mới.

Theo thống kê, năm 2023, 2/3 dân số trên thế giới sử dụng điện thoại di động, 62% tiếp cận mạng Internet và 60% người dân có tài khoản mạng xã hội. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 77 triệu người dùng Internet, chiếm gần 80% dân số và có hơn 70 triệu người tham gia các mạng xã hội. Những con số biết nói này là minh chứng cho sự bùng nổ không thể chối từ của thế hệ công dân số toàn cầu, và tất nhiên cũng là những khán, thính giả số, mục tiêu của các Đài PTTH.

Hiện nay, phát thanh đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình truyền thông trên nền tảng số. Sự cạnh tranh này đến cả từ nội dung cho đến cả sự chia sẻ công chúng. Nhu cầu của công chúng là khai thác được thông tin theo nhiều chiều, với nhiều cách thức linh hoạt, phù hợp với cách tiếp cận thông tin của từng cá nhân, và khi đó, các nền tảng số tỏ rõ lợi thế so với các loại hình báo chí truyền thống như phát thanh, truyền hình. Chỉ với một chiếc smartphone, công chúng có thể thoả mãn mọi nhu cầu của mình, từ tiếp nhận thông tin, giao tiếp xã hội, giải trí và thực thi các nhu cầu cá nhân, họ không cần phải tìm đến các nhà cung cấp truyền thống về mặt thông tin như phát thanh nữa.

Những khó khăn của phát thanh truyền thống còn thể hiện ở tư duy tiếp cận công nghệ mới, về nguồn nhân lực cũng như hạn chế của ngân sách. Không ít những Đài PTTH vẫn còn quan niệm cứ sản xuất và phát sóng, không quan tâm đến khán, thính giả. Do vậy, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng mà khởi đầu từ chuyển đổi tư duy trong cách tiếp cận vấn đề, cách tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm trong kỷ nguyên số.

Tuy nhiên, cùng với những khó khăn, kỷ ngyên số cũng mở ra những cơ hội cho phát thanh. Việc tận dụng nền tảng số để đưa thông tin đến với công chúng là cơ hội lớn nhất, chỉ với chi phí rất thấp mà có thể tiếp cận với lượng công chúng khổng lồ, so sánh với chi phí rất lớn để truyền dẫn, phát sóng nội dung theo các phương thức truyền thống. Cùng với việc xuất hiện trên nền tảng số, với ưu thế về dữ liệu, về kinh nghiệm, về nội dung thì các Đài PTTH dễ dàng và nhanh chóng thu hút được một lượng công chúng mới. Khi nền tảng số gắn chặt với công chúng số, khi có khả năng tiếp cận trực tiếp và không giới hạn với hàng triệu công chúng, cũng là hàng triệu khách hàng tiềm năng thì câu chuyện có doanh thu từ nội dung báo chí là điều hiển nhiên. Bài toán kinh tế báo chí sẽ được giải đáp nhanh chóng.

Để phát thanh Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức trong kỷ nguyên số và thực hiện thành công chuyển đổi số, cần đề ra chiến lược phát triển thích ứng với kỷ nguyên số, dựa trên 3 trụ cột chính:

Nội dung số : Việc kỷ nguyên số ra đời cũng chứng kiến sự xuất hiện của thính giả số. Thính giả số không còn thụ động chờ thông tin, họ chủ động tìm kiếm, sàng lọc và thụ hưởng những thông tin từ các phương tiện truyền thông phù hợp. Hướng đối tượng là yêu cầu tất yếu đối với các Đài PTTH trong kỷ nguyên số. Các Đài PTTH cần đặt mình vào vị trí của thính giả và gặp họ trong không gian của họ, tức là trong các chương trình mà khán, thính giả cảm thấy phù hợp và yêu thích. Hiểu rõ hính giả của mình và phục vụ họ, chứ không cố gắng thu hút tất cả mọi người mới là hướng đi đúng đắn cho các Đài PTTH trong kỷ nguyên số.

Yếu tố con người là vấn đề trung tâm trong phát triển nội dung số, từ những phóng viên, biên tập viên, đến thính giả, mà trong kỷ nguyên số, chính thính giả lại trở thành người sáng tạo nội dung. Với sự xuất hiện của những bot AI (trí tuệ nhân tạo), vai trò của các phóng viên, biên tập viên càng bị cạnh tranh nghiêm trọng. Không cách nào khác, bản thân những phóng viên, biên tập viên phải trở thành phóng viên số, cùng với nhãn quan sắc bén, ngòi bút sắc sảo là những kỹ năng làm việc trên không gian số.

Truyền tải số : Tháng 1/2017, Na Uy trở thành nước đầu tiên trên thế giới chính thức bỏ phát sóng phát thanh qua sóng FM mà chuyển 100% sang công nghệ số. Ngày nay, thính giả không còn ngồi xung quanh chiếc Radio để nghe, xem chương trình. Thời đại công nghiệp hóa khiến nhịp sống trở nên hối hả hơn, vì thế, các Đài PTTH cần có mặt ở khắp mọi nơi, tận dụng mọi không gian phù hợp và biến mỗi nền tảng thành trạm phát sóng của mình, và điều quan trọng nhất là phải được thính giả tìm thấy dễ dàng. Cùng với những lợi ích khổng lồ như giúp tiết giảm đến 90% chi phí so với các phương thức truyền tải truyền thống, hầu như không có giới hạn về không gian địa lý…, phương thức truyền tải số còn có một lợi thế cực kỳ lớn so với các phương thức truyền tải truyền thống, đó là khán thính giả không còn bị phụ thuộc vào khung chương trình phát sóng real time của các Đài PTTH mà có thể nghe, xem bất kỳ nội dung nào mình thích tại bất kỳ thời điểm nào.

Tương tác số : Đã qua rồi thời kỳ thông tin được đưa từ các Đài đến thính giả theo một chiều. Tương tác số cho phép thay thế ở mức độ cao hơn và dễ dàng hơn các hình thức tương tác cá nhân - cá nhân, cá nhân - cộng đồng. Vì thế, điều mà khán, thính giả trong kỷ nguyên số cần là họ muốn cảm thấy mình là một phần của câu chuyện đang diễn ra, vì nó đảm bảo sẽ thu hút họ, khuyến khích họ nghe tiếp, nghe lại và tham gia. Việc xây dựng một cộng đồng số, bao gồm các thính giả số, tạo điều kiện để cộng đồng này tham gia phát triển nội dung của các chương trình phát thanh, truyền hình sẽ là ý tưởng không tồi để kích hoạt sự tương tác hữu cơ và tạo cuộc trò chuyện với cộng đồng thính giả của các Đài PTTH, mở rộng phạm vi tiếp cận thương hiệu của các Đài.

Trong giai đoạn hiện nay, phát thanh đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn bởi phải chia sẻ công chúng với các loại hình báo chí khác, đặc biệt là công chúng của mạng xã hội và các nền tảng số. Tuy nhiên, lịch sử hình thành và phát triển của báo chí thế giới hơn một thế kỷ qua đã cho thấy mỗi loại hình báo chí lại có những thế mạnh riêng, có đối tượng phục vụ riêng, chính vì vậy mà có cách thức phục vụ riêng. Với phát thanh, trong thời đại chuyển đổi số này, bên cạnh việc phải thay đổi các nền tảng cung cấp nội dung, không chỉ trên nền tảng truyền thống là phát sóng vô tuyến, mà còn cần cung cấp trên các nền tảng số, thì cần phải tiếp tục đổi mới để cả nội dung và hình thức để đáp ứng những yêu cầu, những nhu cầu ngày càng mới của công chúng. Phát thanh bắt buộc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại, và môi trường số chính là điều kiện thuận lợi để phát thanh chuyển mình./.

Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Ban Thư ký biên tập VOV