Khiếu kiện vi phạm bản quyền báo chí, nhìn từ một số trường hợp trong nước và quốc tế gần đây
Tham luận của Nhà báo Dương Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động
Tại Việt Nam hiện nay, bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí được quy định tại nhiều luật và văn bản dưới luật, như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Báo chí 2016, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP…
Chỉ cần thực hiện thật nghiêm những quy định đó thì chuyện xâm phạm bản quyền báo chí không xảy ra, hoặc diễn ra rất ít. Thế nhưng, diễn biến trên thực tế những năm qua và hiện nay cho thấy điều ngược lại. Không chỉ những cá nhân, hội nhóm, tổ chức ngoài ngành báo chí - truyền thông mà còn có hiện tượng một số báo, đài cũng sử dụng tin, bài của đồng nghiệp khi chưa được cho phép. Qua đó chứng tỏ luật về bản quyền thì đã có song không được chấp hành, không được thực thi nghiêm minh.
TỪ BỊ ĐỘNG ĐẾN CHỦ ĐỘNG BẢO VỆ
Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí gần đây có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, cách thức vi phạm đã biến ảo theo chiều hướng tinh vi hơn, hiện đại hơn, khó phát hiện hơn trước (Chúng tôi sẽ nói sâu vấn đề này ở phần sau). Và điều này khiến các cơ quan báo chí “danh môn chánh phái” lo lắng.
Về phía các cơ quan báo chí là nạn nhân thường xuyên của tình trạng ăn cắp bản quyền, thay vì chỉ biết than thở hoặc thụ động ứng phó như trước, vài năm gần đây đã tiến hành một số giải pháp chủ động hơn, như: thành lập Tổ Bản quyền, xây dựng mạng lưới cảnh giới và báo tin rộng khắp trên các nhóm mạng xã hội, phát hành thông tin cảnh báo chống ăn cắp, báo cáo kịp thời với Sở Thông tin và Truyền thông địa phương về các trường hợp vi phạm, sử dụng phần mềm để rà soát, phát hiện nạn lấy cắp tác phẩm…v.v Riêng tại Báo Người Lao Động (cũng là nạn nhân liên tục bị ăn cắp bản quyền - trước 2020 có khoảng 8.000-10.000 tin, bài bị khai thác trái phép mỗi năm), từ 2 năm trước, chúng tôi đã thành lập Tổ Pháp lý, chuyên trách 8 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ bản quyền, chống xâm phạm và xử lý xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Đồng thời, chúng tôi dựng tường phí. Cụ thể, đối với những tác phẩm báo chí chất lượng cao, độc quyền, chúng tôi đưa vào chuyên mục thu phí đọc báo “Dành cho bạn đọc VIP” (ra mắt cuối tháng 07/2022). Nhờ đó, chúng tôi thu được tiền để bù đắp một phần chi phí sản xuất, tối ưu hóa tác phẩm, hạn chế được tình trạng sử dụng lại tin, bài mà không xin phép, không trả bất kỳ đồng xu cắt bạc nào.
Chúng tôi cũng sẵn sàng tâm thế khởi kiện bất cứ cá nhân, tổ chức nào ăn cắp bản quyền tác phẩm thuộc Báo Người Lao Động ra tòa để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình. Thực ra, mục đích cao hơn là để ngăn đe trên diện rộng. Mong rằng các báo cùng chí hướng sớm đồng tâm, hợp lực lại thành một liên minh, quyết chí tuyên chiến với bất kỳ hành vi ăn cắp bản quyền nào. Giải pháp này, chúng tôi cho là khả thi.
THAM CHIẾU 2 VỤ VI PHẠM
Báo Người Lao Động dù đã giăng “ăng-ten” khắp nơi cũng không thể nắm bắt được tất cả mọi trường hợp tác phẩm của mình bị sử dụng trái phép. Do vậy, có những vụ chúng tôi phát hiện nhờ “tai mắt quần chúng”, hoặc tình cờ biết được vì tác phẩm đó viral rất rộng (nhờ một số thủ thuật của bên vi phạm). Ở đây nêu 2 vụ gần nhất.
Vụ thứ nhất: Giữa năm 2023, phóng viên ảnh của Báo Người Lao Động trong quá trình sử dụng mạng xã hội thì bắt gặp một bức ảnh quý của mình có mặt trong TVC quảng cáo nhãn hàng của một tập đoàn nước ngoài. Anh vào cuộc tìm hiểu, biết đích xác là ảnh của mình, liền nhờ luật sư tư vấn. Sau khi nhận thông báo từ phía phóng viên ảnh, tập đoàn kia ban đầu có giải thích về nguồn hình. Hai bên trải qua nhiều bước thương lượng, rồi lập hợp đồng mua bán ảnh; cuối cùng, đến cuối năm 2023, tập đoàn ấy phải trả nhuận ảnh hàng trăm USD cho chính chủ.
Trong trường hợp này, nếu anh phóng viên ảnh không may mắn bắt gặp tác phẩm của mình bị sử dụng khi chưa được chính anh hoặc cơ quan anh đang công tác cho phép; nếu chính chủ không kiên quyết và biết cách đòi lại lợi ích của mình, thì công sức và quyền tác phẩm của anh đã bị xâm phạm một cách trắng trợn.
Vụ thứ hai: Đầu năm 2024, Báo Người Lao Động đăng phóng sự ảnh về một lễ hội ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Để có được series gần 50 tấm hình và những shot quay hình đặc sắc, phóng viên đã phải hòa vào lễ hội cả ngày, ghi nhận sự kiện, phỏng vấn nhiều người để hoàn thành tác phẩm gửi Tòa soạn.
Sau khi được đăng trên Báo Người Lao Động điện tử, phóng sự ảnh này bị lấy lại, xử lý cho khác nguyên gốc, phát trên fanpage, kênh Youtube và TikTok của một đài phát thanh - truyền hình tầm cỡ cấp tỉnh ở miền Tây Nam Bộ. Theo ghi nhận của chúng tôi, họ đã biến phóng sự ảnh này thành video, đưa AI tự động đọc text, toàn bộ ảnh tĩnh được xử lý lại dạng flash (nhằm né bị Google “đập gậy” bản quyền), đặc biệt là không hề ghi nguồn dẫn. Chúng tôi kiểm tra văn thư và xác định nhà đài này chưa được Báo Người Lao Động có văn bản cho phép khai thác lại tác phẩm từ năm 2024 trở đi (trong mọi văn bản cho phép, chúng tôi đều quy định rõ: không được thay đổi nội dung, xáo trộn bố cục, đặt lại tiêu đề, ảnh và chú thích ảnh và phải ghi rõ nguồn “theo Báo Người Lao Động”, kèm link). Với một kênh Youtube có hơn 2 triệu subscriber của nhà đài đó, đã bật kiếm tiền, thì rõ ràng trường hợp này là “tạo nguồn thu từ công sức lao động của người khác”. Vậy kiện được không, hay chỉ khiếu nại để đánh động, hoặc im lặng cho qua? Còn bao nhiêu kênh Youtube khác đã, đang “nấu cháo trên lưng đồng nghiệp” như thế này?
Đây là vấn đề rất nhức nhối về bản quyền báo chí thời số hóa, nhất là đối với những cơ quan báo chí tự chủ tài chính toàn diện!
NHÌN TỪ VỤ KIỆN BẢN QUYỀN CỦA THE NEW YORK TIMES
Chúng tôi theo dõi sát diễn biến vụ báo Mỹ The New York Times (NYT) kiện OpenAI (công ty sở hữu và phát triển Chat GPT) và Microsoft (sở hữu Bing AI - công cụ tìm kiếm tích hợp trí tuệ nhân tạo) vì đã “gây thiệt hại hàng tỉ đô-la theo luật định và trên thực tế” cho tờ báo danh tiếng này.
Theo hồ sơ vụ kiện gửi đến tòa án Manhattan từ cuối tháng 12-2023, The Times cáo buộc bên bị đơn đã dùng AI để sử dụng một cách bất hợp pháp nội dung từ hàng triệu bài báo có bản quyền của họ với các thể loại như điều tra, bình luận, ý kiến, hướng dẫn… để huấn luyện các chatbot, qua đó cung cấp cho người đăng ký tài khoản ChatGPT-4 của OpenAI.
Cũng theo nguyên đơn, NYT là tờ báo thu phí độc giả. Việc bất cứ thể nhân, pháp nhân nào sử dụng AI để lấy nội dung của báo (mà không tốn khoản phí nào) dùng vào mục đích thương mại sẽ lập tức ảnh hưởng đến nguồn thu của họ. Thêm nữa, nội dung gốc thông qua các AI tạo sinh có thể bị sai lệch, gây mất uy tín nguồn nguyên phát. Củng cố cho luận điểm này, The Times đưa ra bằng chứng: Trong bài “15 loại thực phẩm tốt cho tim mạch nhất” mà Bing AI tìm kiếm và cung cấp cho người dùng của mình thì có tới 12 loại thực phẩm không hề được nêu trong bài báo gốc của The NYT (nhưng lại đính kèm nguồn là của NYT). Các tài khoản sử dụng ChatGPT hay Bing AI có được thông tin mà chẳng cần click chuột vào link gốc, ắt khiến trang đó mất view, mất độc giả, nói chung là mất tiền.
Với vụ kiện này, The Times nhấn mạnh đến vai trò sống còn của nền báo chí độc lập, thượng tôn pháp luật, đồng thời kêu gọi các công ty triệt xóa mọi mô hình chatbot khai thác nội dung có bản quyền thuộc thương hiệu báo chí dẫn đầu nước Mỹ này.
OpenAI sau đó đã phản tố, cho rằng vụ kiện của NYT là “không có căn cứ”, và khẳng định việc họ khai thác các nội dung có bản quyền để đào tạo AI là đúng pháp luật. Trước nay, theo OpenAI, đối với những nội dung đã đăng công khai, họ có quyền khai thác miễn phí vì “không sao chép toàn bộ nội dung” (trong khi đó, theo đơn kiện, NYT tố giác ChatGPT nhiều lần “sao chép từng chữ một”!).
Không riêng NYT, một số cá nhân độc lập và một nhóm nhà văn ở Mỹ cũng đã đâm đơn kiện OpenAI vì sử dụng tác phẩm của họ để thu lợi “hàng tỉ đô-la”.
Vụ kiện bản quyền đình đám kể trên hiện chưa đến hồi kết, song có thể nhận định OpenAI đang ở thế yếu hơn về mặt pháp lý. Thứ nhất, theo cách thức phát triển chatbot của họ, không thể thiếu những nguồn thông tin chất lượng, khả tín, kịp thời từ báo chí. Chính họ đã thừa nhận điều này trong bản đệ trình gửi Ủy ban Tuyển chọn kỹ thuật số và truyền thông của Hạ viện Mỹ vào ngày 05/12/2023, rằng “sẽ không thể đào tạo các mô hình AI hàng đầu hiện nay nếu không có tài liệu có bản quyền”. Thứ hai, OpenAI tuyên bố: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với các nhà sản xuất tin tức, giúp nâng cao khả năng sản xuất những tác phẩm báo chí chất lượng bằng tiềm năng hoàn thiện chính bản thân của AI”. Tuyên bố này có khác nào một sự xuống nước! Và, cụ thể hóa tuyên bố này, họ đã ký kết thỏa thuận với một số thương hiệu truyền thông, hãng thông tấn lớn như Axel-Springer và AP, trong đó có điều khoản chia sẻ lợi ích. Cần biết thêm là ChatGPT được OpenAI ra mắt vào tháng 11/2022 và thu hút được 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng; chỉ 1 năm sau, ChatGPT có hơn 100 triệu người dùng mỗi tuần.
OpenAI cũng úp mở họ đang “thỏa thuận” với The Times. Nhưng tới cuối ngày 12/03/2024, một số nguồn tin quốc tế cho hay The Times chưa đạt được thỏa thuận với công ty công nghệ này.
Chúng tôi suy đoán NYT kiện OpenAI với mục tiêu “nhất tiễn hạ song điêu”, tức là vừa ngăn chặn ăn cắp bản quyền, đòi đền bù thiệt hại; vừa đạt được thỏa thuận chia sẻ lợi ích lâu dài với không riêng OpenAI hay Microsoft mà với nhiều hãng công nghệ khác đang phát triển AI, sử dụng nội dung báo chí để huấn luyện AI nhằm mục đích kinh tế.
***
Như vậy, các cơ quan báo chí Việt Nam, các nhà sản xuất tin tức Việt Nam hãy xem lại tài nguyên của mình có đang bị các chatbot khai thác hay không, như thế nào, vào mục đích gì…, để tìm giải pháp ứng phó hợp lý. Chắc chắn là đang có tình trạng xâm phạm bản quyền bởi các GPT sử dụng trí tuệ nhân tạo ở mức độ nhất định. Liệu có đòi được quyền lợi kiểu NYT đang kiện, trong khi chúng ta chưa từng lấy được gì từ Facebook của Meta?
Trước khi bước ra thế giới, hãy giải quyết chuyện “trong nhà” trước đã. Cần mạnh tay sử dụng công cụ pháp lý đối với những cá nhân, tổ chức ngoài ngành báo chí - truyền thông, kể cả với bất kỳ báo - đài đồng nghiệp nào có hành vi khai thác trái phép tác phẩm của mình nhằm thu lợi riêng.
Cao và rộng hơn pháp luật là đạo đức. Chỉ cần học tập và làm theo 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành vào ngày 16/12/2016 thì sẽ luôn biết “fair” với nghề, không vi phạm bản quyền. Cụ thể, điều 2 quy ước: “Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật…”, và điều 3: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi…”./.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 03/2024