Môi trường số là cơ hội lớn để phát thanh chuyển mình
Chiều 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024 đã diễn ra Phiên thảo luận với chủ đề: "Phát thanh năng động trong môi trường số".
Các diễn giả tham gia tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc, nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV đánh giá, hiện nay, phần lớn lãnh đạo các Đài Phát thanh truyền hình địa phương đang có sự ưu ái cho truyền hình, chưa có sự quan tâm đúng mức cho phát thanh, chưa hiểu được sức mạnh của truyền thanh.
Cơ hội lớn cho phát thanh
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng cho biết, theo một cuộc điều tra năm 2019, người nghe trên nền tảng podcast toàn cầu là 275 triệu người, đến năm 2022 con số này đã tăng gấp đôi. Đây là cơ hội rất lớn cho những người làm phát thanh.
Theo Phó Tổng Giám đốc VOV, vấn đề đặt ra là các Đài Phát thanh truyền hình Việt Nam cần nhận thức rõ những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội phát triển trong kỷ nguyên số, để từ đó chấp nhận dấn thân vào những đổi thay to lớn đang diễn ra để có những chiến lược đầu tư phát triển phù hợp.
"Nếu những người làm báo, những nhà quản lý báo chí đầu tư đúng hướng cho phát thanh, đẩy mạnh chuyển đổi số thì phát thanh có cơ hội tiếp tục phát triển, là một trong những loại hình báo chí thân thiết, hữu dụng và gần gũi với công chúng", nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhận định.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV cho rằng, hiện nay, phát thanh đang có cơ hội rất lớn để phát triển. |
Phát biểu đề dẫn, TS Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Ban Thư ký biên tập VOV cho biết, cùng với những khó khăn, kỷ nguyên số cũng mở ra những cơ hội cho phát thanh. Việc tận dụng nền tảng số để đưa thông tin đến với công chúng là cơ hội lớn nhất, chỉ với chi phí rất thấp mà có thể tiếp cận với lượng công chúng khổng lồ, so sánh với chi phí rất lớn để truyền dẫn, phát sóng nội dung theo các phương thức truyền thống.
Cùng với việc xuất hiện trên nền tảng số, với ưu thế về dữ liệu, về kinh nghiệm, về nội dung thì các Đài Phát thanh-Truyền hình dễ dàng và nhanh chóng thu hút được một lượng công chúng mới. Khi nền tảng số gắn chặt với công chúng số, khi có khả năng tiếp cận trực tiếp và không giới hạn với hàng triệu công chúng, cũng là hàng triệu khách hàng tiềm năng thì câu chuyện có doanh thu từ nội dung báo chí là điều hiển nhiên. Bài toán kinh tế báo chí sẽ được giải đáp nhanh chóng.
Theo TS Đồng Mạnh Hùng, để phát thanh Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức trong kỷ nguyên số và thực hiện thành công chuyển đổi số, cần đề ra chiến lược phát triển thích ứng với kỷ nguyên số, dựa trên 3 trụ cột chính là: Nội dung số; Truyền tải số; Tương tác số.
TS Đồng Mạnh Hùng cho rằng, phát thanh cần phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là: Nội dung số, Truyền tải số, Tương tác số. |
Nhà báo phát thanh cần tự thay đổi trước yêu cầu chuyển số
Bàn về câu chuyện nhà báo phát thanh trước yêu cầu chuyển đổi số, ThS Phan Văn Tú, Chủ nhiệm bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí tuyên truyền, Đại học học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phát thanh trong kỷ nguyên số không chỉ là sự thay đổi hạ tầng truyền dẫn hay các nền tảng phát sóng mà còn là sự thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi nếp tư duy làm nghề. Nhà báo phát thanh trong kỷ nguyên số, vì thế, cần chú trọng hơn đến các kỹ năng nghiệp vụ đặc thù trước yêu cầu mới.
"Nhà báo phát thanh giờ đây không chỉ có máy ghi âm là công cụ sản xuất chính mà là thiết bị đa phương tiện. Năng lực đa phương tiện bao gồm khả năng tạo ra, biên tập, và phát hành nội dung qua nhiều hình thức và kênh truyền thông khác nhau, từ âm thanh, văn bản, hình ảnh, đến video và nội dung tương tác. Hiện nay có nhiều nền tảng hỗ trợ các dạng sản phẩm phát thanh chuyển từ hình thức podcast sang vodcast", ThS Phan Văn Tú cho hay.
ThS Phan Văn Tú, Chủ nhiệm bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí tuyên truyền, Đại học học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phát thanh trong kỷ nguyên số không chỉ là sự thay đổi hạ tầng truyền dẫn hay các nền tảng phát sóng mà còn là sự thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi nếp tư duy làm nghề. |
ThS Phan Văn Tú nhấn mạnh đến kỹ năng của nhà báo phát thanh hiện nay là việc sản xuất vodcast. Với vodcast, công chúng truyền thông nhìn thấy người dẫn chương trình, khách mời, và thậm chí là các hiệu ứng hình ảnh, biểu đồ hoặc slide được sử dụng trong quá trình trình bày nhưng nội dung chính của sản phẩm vẫn là một chương trình phát thanh.
Vodcast mang đến một lớp trải nghiệm thêm cho người nghe/xem, giúp họ có thể tiếp nhận thông tin qua cả thị giác lẫn thính giác. Với vodcast, một số đối tượng mục tiêu của những chương trình phát thanh truyền thống được mở rộng. Để làm tốt hình thức này, nhà báo phát thanh truyền thống cũng cần rèn luyện thêm nhiều kỹ năng truyền hình trong sản xuất cũng như kỹ năng quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội.
ThS Phan Văn Tú cho biết, nội dung đa phương tiện thu hút sự chú ý và khuyến khích người nghe tham gia tương tác, từ đó tăng cường mối quan hệ giữa nhà báo và khán giả. Bên cạnh việc đầu tư vào chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa nội dung cho công cụ tìm kiếm, nhà báo phát thanh còn cần sử dụng dữ liệu và phân tích để hiểu rõ hơn về hành vi và sở thích của người nghe, từ đó định hình nội dung cho phù hợp và tăng tính hấp dẫn.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định, cách mạng số về bản chất là cuộc cách mạng về phương thức sản xuất và phân phối sản phẩm, vì thế, cách duy nhất để sống sót và hưởng lợi trong cuộc cách mạng này, các nhà sản xuất nội dung chỉ có một con đường là nhanh chóng hòa mình vào làn sóng cách mạng đó, chuyển đổi sớm phương thức sản xuất và phân phối nội dung theo hướng ứng dụng tối đa các thành quả mà cuộc cách mạng đó mang tới.
Theo ông Phạm Trung Tuyến, với phát thanh nói riêng hiện nay, đang có rất nhiều cơ hội, có nhiều công cụ để phát thanh phát triển tốt.
"Câu chuyện tương tác của VOV giao thông thời đầu mới ra kênh đã gặp nhiều khó khăn, một trong những khó khăn đó là việc bố trí người ở nhiều tuyến đường để gọi điện đưa tin, bây giờ ngoài việc nhận thông tin từ các cuộc gọi, chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin thông qua các nền tảng mạng xã hội từ bình luận và tin nhắn trên các fanpage", ông Phạm Trung Tuyến cho hay.
Các khách mời trao đổi tại phiên thảo luận. |
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế của Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước, bà Nguyễn Thị Minh Nhâm, Giám đốc-Tổng Biên tập Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số, mạng xã hội phát triển, công chúng có nhiều cơ hội lựa chọn nên BPTV xác định nội dung chương trình phát thanh phải hay, hấp dẫn, thực hiện bài bản, kỹ lưỡng thì mới gia tăng lượng tiếp cận của thính giả.
Vì thế, nội dung luôn mới lạ, liên tục thay đổi format, dạng chương trình mở, phù hợp với tâm lý và nhu cầu tiếp nhận của thính giả, hình thức thể hiện hấp dẫn, tăng thời lượng sản xuất trực tiếp, tạo ra các diễn đàn để thính giả trực tiếp tham gia vào việc phản ánh, giám sát và chia sẻ, lan tỏa thông tin 2 chiều. Tăng sự tương tác với mạng xã hội, khán, thính giả với chương trình và ngược lại.
Đồng thời, quảng bá chương trình thông qua mạng xã hội và hạ tầng số; sử dụng mạng xã hội, báo điện tử để quảng bá các chương trình phát thanh, truyền hình, báo in và ngược lại.
Cần thận trọng khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI
Nhắc đến vấn đề đặt ra của các sản phẩm âm thanh trên báo chí điện tử hiện nay, TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, phát thanh có 2 đặc trưng quyết định sức mạnh đó là đặc trưng của tính sống động, gần gũi, riêng tư, thân mật và tính tiện dụng. Từ hai thế mạnh cơ bản của phát thanh nói trên, cách tiếp cận vào các sản phẩm âm thanh trên các báo, tạp chí điện tử hiện nay đang có vấn đề.
Thứ nhất, theo TS Phan Văn Kiền việc sử dụng AI đọc lại tin tức có thể giảm sức lao động của con người và tăng tốc độ sản xuất sản phẩm, giúp tăng năng suất lao động sản xuất.
Tuy nhiên, việc dùng AI với một giọng đọc đều đều, không nhấn mạnh, không trọng âm từ đó dẫn tới không mang lại cảm xúc gì cho người nghe ngoài việc chỉ tải được thông tin đơn thuần từ chữ viết. "Vì vậy, đối với sản phẩm này, tính thân mật, riêng tư, gần gũi gần như bị triệt tiêu. Hẳn nhiên, với nhu cầu nghe tin tức thì đặc tính mang tính thế mạnh của phát thanh nói trên cũng không hẳn là đã phát huy hết sức mạnh. Người ta vẫn hoàn toàn có thể sử dụng để chuyển tải các dạng thông tin thời sự thường thức hàng ngày", TS Kiền đánh giá.
Thứ hai, TS Phan Văn Kiền cho biết, một thực tế có thể thấy rõ là nếu công chúng có điều kiện và thời gian mở bài báo, tạp chí ra, giữa lựa chọn xem ảnh, video, lướt, đọc và nghe file âm thanh thì họ sẽ chọn xem và lướt.
TS Phan Văn Kiền đánh giá, sản phẩm âm thanh trên các nền tảng báo chí điện tử, trang tin điện tử… chưa đạt được hiệu quả như loại hình này có thể có trên sóng phát thanh. |
Như vậy, phương tiện phát thanh với tư cách là một phương tiện có nhiều thế mạnh trong sản phẩm đa phương tiện lại trở thành thế yếu. Nó chỉ có tính chất góp mặt để sản phẩm trở thành sản phẩm đa phương tiện, như là một tiện ích mở rộng hơn là một kênh giúp tiếp cận công chúng.
Kết luận Phiên thảo luận, TS Đồng Mạnh Hùng nhận định, với phát thanh, trong thời đại chuyển đổi số này, bên cạnh việc phải thay đổi các nền tảng cung cấp nội dung, không chỉ trên nền tảng truyền thống là phát sóng vô tuyến, mà còn cần cung cấp trên các nền tảng số, thì cần phải tiếp tục đổi mới để cả nội dung và hình thức để đáp ứng những yêu cầu, những nhu cầu ngày càng mới của công chúng.